Bảo tồn và sử dụng vùng đất đất ngập nước Khu_bảo_tồn_đất_ngập_nước_Láng_Sen

Qua nhiều năm khai thác cho mục đích phát triển nông nghiệp, đất trong khu vực đã biến đổi rất lớn. Kể từ năm 1978, diện tích tràm và đồng cỏ bị thu hẹp dần và được thay thế bằng những cánh đồng lúa.

Vào năm 1997, sau khi có sự thông báo của chính quyền địa phương về việc thành lập khu bảo tồn tự nhiên Láng Sen cùng với giá lúa thương mại thấp, giá trị kinh tế của rừng tràm khá cao thì diện tích tràm tại khu vực này đã tăng đáng kể nhất là trên những vùng đất phèn trồng lúa cho năng suất thấp. Phần lớn diện tích trồng được tập trung tại những vùng đất phèn, trũng thấp của khu vực Láng Sen.. Đai rừng tự nhiên ven sông, dù đã bị tàn phá ít nhiều, là một kiểu nơi sống trở thành hiếm có hiện nay của vùng Đồng Tháp Mười. Thủy vực nước chảy tự nhiên (sông, rạch) là một kiểu sinh cảnh không có nhiều ở các khu bảo vệ đất ngập nước nội địa của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Hiện nay, toàn bộ khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ, một số loài sinh vật đã được phục hồi. Tuy nhiên, vẫn còn việc xâm nhập của người dân địa phương vào trong vùng này để đánh bắt thủy sản, nhất là tại khu vực Cá He – nơi sinh sản của các loài cá, việc bẫy và săn bắt các loài động vật hoang dã: chim, rái cá… đã góp phần làm giảm tính sự phong phú các loài sinh vật tại đây. Diện tích cỏ tự nhiên bị thu hẹp là một trở ngại trong việc làm bãi ăn cho các loài chim nước. Cánh đồng lúa nước rộng lớn trước đây đã bị thu hẹp do chế độ quản lý nước chưa được tốt.